An ninh nguồn nước bảo đảm cấp nước an toàn cho người dân có thể hiểu một cách tổng quát là Sự bảo đảm về số lượng nước, chất lượng nước để phục vụ cho sức khỏe, cho sinh kế, cho hoạt động sản xuất, cho môi trường sinh thái đối với cộng đồng dân cư, đồng thời cũng là sự bảo đảm được bảo vệ trước các loại hình dịch bệnh, thiên tai liên quan đến nước. Tuy nhiên an ninh nguồn nước ở Việt Nam đang còn gặp nhiều thách thức. Bài viết dưới đây xin được điểm lại những thách thức đó đồng thời đề xuất một số giải pháp khắc phục.
Khái quát chung
Năm 2020, ngành nước Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền các cấp ngành nước Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Tổng công suất thiết kế cấp nước đạt khoảng 10,6-10,9 triệu m3/ngày đêm; Tỷ lệ người dân đô thị được cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 89-90%; tỷ lệ thất thoát nước sạch đạt khoảng 19-18%, chất lượng nước không ngừng được cải thiện về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của người dân. Xử lý nước thải đạt khoảng 1,2 triệu m3/ngày đêm tương ứng tỷ lệ đạt 14-15%.
Tuy nhiên nguy cơ mất an toàn trong cấp nước rất cao, theo một nghiên cứu của WB thì nguồn nước của Việt Nam đang trong tình trạng quá bẩn (ô nhiễm), quá ít và quá nhiều.
Quá bẩn từ (1) quá trình đô thị hóa nhanh chóng là nguyên nhân gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước; (2) Nước thải công nghiệp không qua xử lý xả thẳng ra môi trường; (3) Ngành nông nghiệp cũng đóng góp một lượng lớn chất thải từ phân bón, mầm bệnh và dược phẩm dùng trong chăn nuôi.
Quá ít: (1) Thiếu đầu tư vào thu gom và xử lý nước thải; (2) Khung chính sách đã được ban hành, nhiều quy định về quản lý nước thải khá cụ thể nhưng việc tổ chức triển khai trên thực tế vẫn là thách thức.
Quá nhiều: Hầu hết các con sông lớn của Việt Nam có nguồn gốc từ các nước lân cận, do vậy, tài nguyên nước của VN dễ bị tổn thương do các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến trình bày tham luận tại Hội thảo An ninh nguồn nước đảm bảo cấp nước an toàn, tổ chức tại TP.HCM ngày 27/11/2020
Theo Wikipedia, an ninh nguồn nước là sự bảo đảm được cấp đủ lượng nước với chất lượng nước phù hợp phục vụ cho sức khỏe, sinh kế và hoạt động sản xuất, ứng với mức độ chấp nhận được về các rủi ro liên quan đến nước.
An ninh nguồn nước có thể hiểu là khả năng một cộng đồng dân cư có thể được tiếp cận đủ lượng nước ứng với chất lượng có thể chấp nhận được để bảo đảm duy trì sinh kế, sức khỏe, hoạt động sản xuất; được bảo vệ trước dịch bệnh, thiên tai liên quan đến nước và bảo tồn hệ sinh thái trong môi trường hòa bình và ổn định chính trị (theo Cơ quan Nước của Liên hợp quốc).
An ninh nguồn nước là năng lực thích ứng để bảo vệ khả năng được tiếp cận bền vững đủ về số lượng nước, chất lượng nước bảo đảm cho sức khỏe, sinh kế, môi trường sinh thái và hoạt động sản xuất kinh tế (theo Đối tác nước bền vững).
Góc độ an ninh nguồn nước bảo đảm cấp nước an toàn cho người dân có thể hiểu một cách tổng quát là: Sự bảo đảm về số lượng nước, chất lượng nước để phục vụ cho sức khỏe, cho sinh kế, cho hoạt động sản xuất, cho môi trường sinh thái đối với cộng đồng dân cư, đồng thời cũng là sự bảo đảm được bảo vệ trước các loại hình dịch bệnh, thiên tai liên quan đến nước. Bảo đảm an ninh nguồn nước là phải đạt được một hệ thống bền vững về quản trị nguồn nước, kết cấu hạ tầng ngành nước để cân bằng nguồn nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Mục tiêu của an ninh nguồn nước
Mục tiêu của an ninh nguồn nước là cân bằng rủi ro và cơ hội để đạt được các kết quả tích cực liên quan tới nước trên 3 khía cạnh Xã hội, Kinh tế và Môi trường. Thể hiện: (1) Tài nguyên nước được quản lý hiệu quả và bền vững; (2) Giảm thiểu các rủi ro liên quan tới nước và (3) Dịch vụ nước hiệu quả, bền vững và công bằng [4].
An ninh nước của Việt Nam
Theo TS. Đào Trọng Tứ [7] thì An ninh nước của Việt Nam liên quan đến 5 khía cạnh bao gồm:
(1) An ninh nước cho hộ gia đình (đảm bảo nhu cầu sử dụng nước cho người dân về số lượng và chất lượng)
(2) An ninh nước cho phát triển kinh tế (đảm bảo nhu cầu sử dung nước cho các hoạt động kinh tế, xã hội)
(3) An ninh nước cho phát triển đô thị (Đáp ứng mọi nhu cầu và bảo đảm cấp nước an toàn cho sinh hoạt và sản xuất của đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư tập trung)
(4) An ninh nước cho bảo vệ môi trường (đảm bảo sự bền vững về tài nguyên nước và hệ sinh thái…)
(5) An ninh nước cho phòng chống thảm họa thiên tai.
H1. An ninh nước của Việt Nam [7]
(2) Tài nguyên nước phân bố không đều theo không gian và thời gian: Phần lãnh thổ từ các tỉnh biên giới phía Bắc đến TP. Hồ Chí Minh, nơi có 80% dân số, trên 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng chỉ có gần 40% lượng nước của cả nước; 60% lượng nước còn lại là ở vùng ĐBSCL, nơi chỉ có 20% dân số và khoảng 10% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng cũng đang chịu tác động từ sử dụng nước khu vực thượng nguồn.
(3) Tác động của biến đổi khí hậu: Nắng nóng kéo dài làm gia tăng lượng bốc, thoát hơi nước từ bề mặt, gia tăng nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất. Lượng mưa năm đang có sự thay đổi đáng kể so với trước đây, tăng ở các vùng khí hậu phía Nam và giảm ở các vùng khí hậu phía Bắc. Sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển diễn biến ngày càng nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân.
(4) Sử dụng nước kém hiệu quả, còn lãng phí, các mô hình khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phát triển kinh tế chưa bền vững; ô nhiễm nguồn nước do khai thác khoáng sản, sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, nước thải chưa xử lý của các đô thị, công nghiệp, làng nghề; trên 85% nước thải sinh hoạt nông thôn chưa được xử lý. Khai thác nước dưới đất quá mức, suy giảm mực nước ngầm, sụt lún đất ở một số đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, đặc biệt ở ĐBSCL là vấn đề lớn cần quan tâm giải quyết. Khu vực Miền Trung, sông ngắn, có độ dốc lòng sông lớn, nước tập trung nhanh, hàng năm vẫn xảy ra ngập lũ, úng, trong khi nguồn lực đầu tư có hạn nên thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân vẫn ở mức cao. Cùng với sự phát triển kinh tế, đô thị hóa, hoạt động sản xuất, gia tăng các hoạt động xả nước thải đang tác động và gây sức ép ngày càng lớn lên nguồn nước.
(5) Khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, đặc biệt với địa bàn có điều kiện địa lý, điều kiện KT-XH khó khăn.
(6) Các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn sinh thủy: Hiện nay chất lượng và diện tích rừng đầu nguồn giảm, ảnh hưởng lớn đến khả năng giữ nước của các lưu vực sông; thêm vào đó, việc trồng rừng bằng cây công nghiệp, cây keo, bạch đàn, cao su… cũng không có tác dụng trữ nước trên lưu vực.
Tầm nhìn về nước của Việt Nam thế kỷ 21
Hội thảo quốc gia nước thế kỷ 21, tầm nhìn và hành động tới 2025 tại Hà Nội (3/2000) đã thông qua tầm nhìn về nước của Việt Nam đó là: sử dụng tổng lượng, bảo vệ tài nguyên nước vững bền và phòng chống có hiệu quả các tác hại về nước với 7 điểm cụ thể: (1) Cung cấp nước sạch và điều kiện vệ sinh cho mọi người; (2) Đủ nước cho an ninh lương thực và phát triển kinh tế xã hội; (3) Bảo tồn các hệ sinh thái nước; (4) Phòng chống và giảm thiểu các tác hại do nước gây ra; (5) Đánh giá nước hợp lý; (6) Cộng tác nhiều bên để quản lý thống nhất tổng hợp tài nguyên nước có hiệu lực và hiệu quả; (7) Hợp tác quốc tế và các nguồn nước, chia sẻ vì lợi ích chung [8].
Một số giải pháp an ninh nguồn nước bảo đảm cấp nước an toàn
1. Tham khảo ý kiến đề xuất của Ngân hàng Thế giới [4]
Ngân hàng thế giới trong một nghiên cứu: “Việt Nam – Hướng tới một hệ thống Nước có tính thích ứng, sạch và an toàn “ đã đề xuất 7 nhóm khuyến nghị có thể tham khảo [3] đó là (1) Hoàn thiện thể chế quản lý tài nguyên nước trong đó cần cụ thể hiệu lực của quản lý và tổ chức triển khai có hiệu quả của quản lý; (2) Thực hiện quản lý nước theo lưu vực sông; (3) Nâng cao giá trị các hoạt động có sử dụng nước trong lĩnh vực nông nghiệp;(4) Ưu tiên hàng đầu là việc hoàn thiện chính sách kiểm soát tình trạng ô nhiễm;(5) Nâng cao chất lượng quản lý rủi ro, ứng phó với thiên tai và tăng cường sức chống chịu; (6) Thiết lập và mở rộng quy mô tài chính và các ưu đãi dựa trên thị trường trong đó xây dựng chiến lược tài chính mới cho ngành nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác công tư ở tất cả lĩnh vực của ngành nước; (7) Tăng cường an ninh nguồn nước cho các khu dân cư cùng với việc tích hợp an ninh nước cho các khu đô thị trong quy hoạch không gian đồng thời hoàn thành cải cách ngành nước đô thị, cải thiện việc cung cấp dịch vụ cho tất cả mọi người.
2. Tổ chức quản lý có hiệu quả tài nguyên nước bao gồm [1]
– Phân bổ nguồn nước: a) Đánh giá số lượng, chất lượng của nguồn nước, hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; dự báo xu thế biến động dòng chảy, mực nước của các tầng chứa nước, nhu cầu sử dụng nước; b) Phân vùng chức năng của nguồn nước; c) Xác định tỷ lệ phân bổ tài nguyên nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước, thứ tự ưu tiên và tỷ lệ phân bổ trong trường hợp hạn hán, thiếu nước; xác định nguồn nước dự phòng để cấp nước sinh hoạt trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước; d) Xác định hệ thống giám sát tài nguyên nước, giám sát khai thác, sử dụng nước; đ) Xác định nhu cầu chuyển nước giữa các tiểu lưu vực trong lưu vực sông, nhu cầu chuyển nước với lưu vực sông khác; e) Xác định các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước;
– Bảo vệ tài nguyên nước: a) Xác định yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước đối với các hoạt động khai thác, sử dụng nước và các hệ sinh thái thủy sinh; b) Xác định các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt; đánh giá diễn biến chất lượng nước, phân vùng chất lượng nước; c) Xác định các công trình, biện pháp phi công trình bảo vệ nguồn nước, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm hoặc bị suy thoái, cạn kiệt để bảo đảm chức năng của nguồn nước; d) Xác định hệ thống giám sát chất lượng nước, giám sát xả nước thải vào nguồn nước.
3. Tổ chức triển khai có hiệu quả “Điều chỉnh định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2015 tầm nhìn đến 2050” [2] với các nhiệm vụ trọng tâm: (1) Tăng cường công tác quản lý, giám sát, bảo vệ nguồn nước; kiểm soát chặt chẽ việc xả thải vào nguồn nước; xây dựng hệ thống hồ trữ nước mưa, nước mặt và các công trình ngăn mặn, xả lũ có tính đến biến đổi khí hậu; lập kế hoạch khai thác, sử dụng hồ trữ nước đa mục đích, ưu tiên cho khai thác cung cấp nước sinh hoạt..(2) Khai thác sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý và từng bước giảm lưu lượng khai thác nước ngầm tại các đô thị lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long…; (3) Nghiên cứu các giải pháp bổ cập nước ngầm hướng tới tạo nguồn nước dự phòng chiến lược trong trường hợp xảy ra các sự cố về nguồn nước mặt, hệ thống cấp nước và biến đổi khí hậu; thiết lập hệ thống kiểm soát, cảnh báo chất lượng, trữ lượng nguồn nước, nghiên cứu giải pháp dự phòng nguồn nước bảo đảm an toàn nguồn nước cho nhà máy nước; (4) Tổ chức nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị thông minh trong quản lý, vận hành hệ thống cấp nước; lựa chọn công nghệ và thiết bị tiên tiến, có chế độ tự động hóa cao, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, thân thiện môi trường và bảo đảm cấp nước an toàn; (5) Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong việc xử lý nước mặn, nước lợ cho các vùng bị xâm nhập mặn và khó khăn về nguồn nước; nghiên cứu công nghệ tái sử dụng nước mưa hỗ trợ nước sinh hoạt và các nhu cầu khác.
4. Tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình quốc gia về bảo đảm cấp nước an toàn (theo QĐ số 1566/QĐ-TTg ngày 9/8/2016) [3] trong đó tập trung vào Quản lý khai thác sử dụng và bảo vệ nguồn nước bao gồm: (1) Lập hành lang bảo vệ nguồn nước, xây dựng các phương án bảo vệ, cải tạo chất lượng nguồn nước khai thác đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm cấp nước an toàn. (2) Nghiên cứu giải pháp lưu trữ và sử dụng nguồn nước mưa, đặc biệt tại các khu vực khó khăn về nguồn nước (vùng xâm nhập mặn, vùng đồng bằng sông Cửu Long, hải đảo và vùng núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung bộ). (3) Rà soát, bổ sung các quy định về hệ thống quan trắc giám sát chất lượng nguồn nước sinh hoạt; lập phương án tìm kiếm các nguồn nước khai thác thay thế trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt đang khai thác. (4) Kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm ảnh hưởng đến nguồn nước; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm chất lượng nguồn nước. (5) Xử lý nghiêm các vi phạm về xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước, khai thác, sử dụng nguồn nước trái phép.
5. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Quản lý cấp nước.
Kết luận
An ninh nguồn nước là một trong những nội dung quan trọng nhất trong an ninh môi trường và An ninh nguồn nước liên quan đến phát triển bền vững và ổn định chính trị, đến chủ quyền quốc gia. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả về an ninh nguồn nước sẽ góp phần bảo đảm cấp nước an toàn và phát triển bền vững đất nước.
——————————–
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật Tài nguyên nước 2012
2. Thủ tướng Chính phủ (2016), “Điều chỉnh định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2015 tầm nhìn đến 2050”
3. Thủ tướng Chính phủ (2016) “Chương trình Quốc gia về bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025”
4. Ngân hàng thế giới (2019), “Việt Nam – Hướng tới một hệ thống Nước có tính thích ứng, sạch và an toàn “
5. Cục Quản lý Tài nguyên Nước, “Tài nguyên nước cho phát triển bền vững”
6 Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp tại Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”
7. Đào Trọng Tứ (2020), “An ninh nước với phát triển bền vững, vai trò và đóng góp của các tổ chức xã hội” Tham luận tại Hội nghị thường niên các tổ chức xã hội 2020
8. Nguyễn Đình Hòe (2010), “An ninh nguồn nước là vấn đề hàng đầu của an ninh Môi trường trên toàn cầu” Cục Quản lý Tài nguyên nước.
9. Tham khảo thêm tại một số bài viết trên mạng có liên quan.
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội Cấp Thoát nước Việt Nam