Kinh doanh nước sạch được đánh giá là ngành có tỷ suất lợi nhuận gộp cao, “bán 2 đồng lãi 1 đồng” khi nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức biên lợi nhuận gộp từ 40-70%. Biwase (HoSE: BWE) duy trì biên lợi nhuận gộp trên 40% trong 2 năm gần đây, Nước Thủ Dầu Một (HoSE: TDM) có thời điểm lên đến 67% (2016), Viwasupco (UPCoM: VCW) trên 50%…

Trong khi đó, với tốc độ đô thị hóa nhanh và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam khiến nhu cầu nước cho cả tiêu dùng và sản xuất gia tăng. Nhiều doanh nghiệp lớn như Gelex, REE, Sơn Hà, CII… xem đầu tư ngành nước là một trong các mảng kinh doanh chính. Tuy nhiên, đây là ngành khá đặc thù với giá bán lẻ không phụ thuộc cung cầu mà chịu sự quản lý giá của nhà nước, vốn đầu tư lớn và khấu hao dài khiến thời gian đầu doanh nghiệp báo lỗ. Sài Gòn Water (HoSE: SII) – công ty con của CII chuyển hướng đầu tư ngành nước từ năm 2013 nhưng hiện vẫn lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh chính.

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Biwase – doanh nghiệp chiếm 100% thị phần ngành nước tại Bình Dương chia sẻ với Người Đồng Hành về ngành kinh doanh này trong cuộc trò chuyện đầu năm.

– Ngành nước được gọi là ngành “bán 2 đồng lãi 1 đồng”, ông nghĩ sao về nhận định này?

– Chúng tôi đầu tư ngành nước không nhìn vào biên lợi nhuận gộp mà nhìn vào biên lợi nhuận sau thuế. Thống kê cho thấy 70% doanh nghiệp cung cấp nước lãi sau thuế chưa đến 10% doanh thu. Những doanh nghiệp có biên lợi nhuận tốt hơn mức trên là nhờ kiểm soát tốt việc thất thoát nước.

Chính phủ chỉ cho các doanh nghiệp cung cấp nước có tỷ lệ lãi sau thuế khoảng 5%. Trong công thức tính giá thành có tỷ lệ thất thoát nước, đây là phần lợi nhuận doanh nghiệp được giữ lại. Nếu doanh nghiệp kiểm soát được việc thất thoát nước tốt, tỷ lệ này thấp thì nâng cao được biên lợi nhuận sau thuế.

Ví như trường hợp Biwase. Tỷ lệ thất thoát nước trong giá thành theo quy định là 20%, Biwase tính toán trên con số 17% nhưng thực tế chỉ 6%, tức dư ra 11% doanh thu. Nếu tính đúng thì biên lợi nhuận sau thuế của Biwase chỉ khoảng 4% nhưng nhờ phần dư từ tỷ lệ thất thoát nước này mà cao hơn (năm 2020 là gần 18% – PV).

– Vậy có cách nào để kiểm soát việc thất thoát nước, giúp doanh nghiệp cải thiện lợi nhuận không?

– Tôi cho rằng thất thoát nước có thể ví là căn bệnh nan y ung thư, gần như bất trị, phải uống thuốc đều đặn hằng ngày. Nghĩa là doanh nghiệp phải bỏ tiền ra bảo trì hàng ngày để giảm thất thoát nước. 10% công ty cấp nước trên toàn quốc bị lỗ, lợi nhuận không quá 1% do thất thoát lớn, chi phí sữa chữa lớn. Những doanh nghiệp có lợi nhuận tốt đa phần nhờ chịu khó đầu tư ban đầu cho công nghệ, chi phí lớn, khấu hao dài để thiết bị không hư lặt vặt, không tốn quá nhiều cho việc sữa chữa, bảo trì.

Việc đầu tư cũng như mua một chiếc xe chở hàng hóa tốt, năm có 365 ngày thì ngày nào cũng chạy thu tiền. Nhưng nếu mua một chiếc xe không tốt thì có thể chỉ chạy 300 ngày, 65 ngày còn lại nằm trong gara, thêm chi phí sữa chữa. Đầu tư ngành nước cũng vậy, đầu tư công nghệ không tốt thì vừa tốn chi phí sữa chữa, bảo trì, vừa tốn thêm nhân công dẫn tới thu không bù được chi và bị lỗ.

Do vậy, trong đầu tư, khi làm việc với nhà cung cấp mà chỉ mặc cả, đàm phán giá và không có yêu sách về chất lượng kỹ thuật thì dễ thất bại. Doanh nghiệp phải chắc chắn về tiêu chí kỹ thuật rồi mới bàn đến chuyện giá cả.

– Đầu tư ngành nước hẳn là phải cần số vốn rất lớn?

– Đúng vậy. Đầu tư ngành nước phải có nguồn vốn lớn, dự trữ tài chính mạnh bởi xây dựng nhà máy nước 7, 8 năm đầu lỗ là chuyện bình thường. Trong thời gian kinh doanh lỗ, vẫn phải trả nợ, ngân hàng cho vay chỉ ưu đãi 1 đến 2 năm đầu. Nếu không có nguồn vốn tiếp tục bỏ vào nữa thì ngân hàng thanh lý hợp đồng ngay. Khi lập đề án, chúng tôi phải tính tới chuyện lâu dài, 10 năm đầu là không có lãi và phải tính 20 năm trở lên.

Hiện nay, tôi khẳng định vay ngân hàng đầu tư nhà máy nước thì không bao giờ kịp trả nợ, bởi thời gian cho vay chỉ 8 đến 10 năm. Trước đây, tôi đầu tư ngành nước vay ODA thời gian trả nợ 15 đến 20 năm mới kịp. Biwase phải xây dựng kế hoạch lấy công trình trước trả công trình sau.

– Bản thân Biwase có lúc nào đó khó khăn trong thanh toán nợ đến hạn hay không?

– Dĩ nhiên là có. Nếu mà không có những công trình trước nuôi công trình sau thì sẽ bị thiếu hụt. Với doanh nghiệp cổ phần, bản thân làm lãnh đạo khi thấy thiếu hụt và điều kiện thị trường tốt thì phải tăng vốn điều lệ, còn doanh nghiệp Nhà nước thì phải xin trợ cấp để hoạt động.

Thời điểm còn làm trong doanh nghiệp Nhà nước, chúng tôi phải nhờ cấp vốn lưu động để có cái xoay sở, trả nợ. Còn chi phí cho hoạt động hằng ngày thì phải vay ngắn hạn, đi mượn nhiều nguồn. Có thời điểm tôi phải xoay sở từng tí một để duy trì hoạt động.

Hiện nay, TP HCM lâu lâu vẫn cấp cho doanh nghiệp sử dụng ngân sách làm tuyến ống là do doanh nghiệp không cân đối nổi, phải cấp vốn để duy trì hoạt động. Về nguyên tắc là doanh nghiệp tự chủ nhưng cung cấp nước sạch là mặt hàng thiết yếu, nếu không còn hoạt động thì ảnh hưởng đến an sinh xã hội, hệ lụy rất lớn. Mỗi địa phương sẽ có cách tính giá thành nước hợp lý sao cho doanh nghiệp cung cấp nước tồn tại.

– Công nghệ quyết định rất lớn đến lợi nhuận ngành nước. Ông đã bao giờ gặp phải trường hợp công nghệ không đáp ứng được yêu cầu thực tế?

– Với nhà máy thì tôi chưa gặp nhưng với tuyến ống thì đã có trường hợp chưa khấu hao hết đã phải bỏ. Trong đề án đề ra, chúng tôi mua ống chất lượng tốt nhưng trong quá trình thi công không giám sát kỹ dẫn đến rò rỉ. Nếu sử dụng, rò rỉ hoài dẫn đến thất thoát lớn nên Biwase mạnh dạn bỏ, sử dụng tạm 1 hoặc 2 năm rồi lên kế hoạch tài chính thay tuyến ống mới. Quá trình đầu tư thì vẫn có những lúc mắc lỗi và chúng tôi cố gắng quản trị sao cho không để xảy ra thường xuyên.

Đầu tư một nhà máy nước bên cạnh câu chuyện chất lượng công nghệ, xây dựng thì còn một bài toán đầu tư phải xem xét. Một nhà máy nước công suất 100.000 m3/ngày đêm nhưng trạm bơm nước thô là 600.000 m3/ngày đêm và tuyến ống đặt phải là 300.000 m3/ngày đêm. Nguyên nhân là khi xây dựng trạm bơm, có những giải pháp thi công ban đầu rất khó khiến chi phí thi công 100.000 m3/ngày đêm giá 100 tỷ mà mở rộng ra 600.000 m3/ngày đêm chỉ 200 tỷ đồng. Nếu làm công suất thấp thì giá thành cao, nhưng mở rộng thêm chi phí tăng không bao nhiêu mà giảm được giá thành.

Về tuyến ống, địa bàn hoạt động của đơn vị là ở tỉnh Bình Dương, muốn đặt tuyến ống dưới mặt đường phải xin phép các doanh nghiệp trong Tổng công ty Becamex (HoSE: BCM) – đơn vị phát triển hạ tầng, khu công nghiệp, đô thị lớn nhất tỉnh. Đường ống nước đặt dưới lòng đường, mặt đường đang trơn tru không dễ để đào lên đặt ống. Do vậy, mặc dù công suất mới 100.000 m3/ngày đêm nhưng Biwase không thể mỗi lần xin phép đặt 1 ống mà đặt 3 ống tổng công suất 300.000 m3/ngày đêm ngay ban đầu.

– Có quan điểm cho rằng rào cản gia nhập ngành nước là rất lớn, nhà đầu tư mới khó chen chân?

– Chuyện bỏ nhà cung cấp nước này để qua nhà cung cấp nước khác là hoàn toàn bình thường nên dù ngành nước là ngành thiết yếu nhưng cũng không thể độc quyền, muốn làm gì thì làm. Cách đây 15 hay 20 năm thì khác, bây giờ xã hội hóa lớn rất lớn, các lãnh đạo địa phương có sự so sánh giữa các doanh nghiệp cung cấp nước để lựa chọn phương án tốt nhất.

Bản thân Biwase vẫn có thêm một số dự án ở vùng nông thôn, khi người dân thấy dịch vụ tốt hơn đã chuyển từ nhà cung cấp khác sang của chúng tôi.

Doanh nghiệp yếu kém là do quản trị kém. Phải nhìn nhận tại sao người ta lời mình lỗ, tại sao người ta mạnh mình yếu? Ví dụ như có 8 đồng, nên mua xe 10 đồng hay 6 đồng? Có người chọn mua xe 6 đồng để dư 2 đồng cho chắc ăn nhưng mua phải xe chất lượng kém, dùng một thời gian là hỏng. Ngược lại, có người chọn xe 10 đồng vay 2 đồng hoặc ráng giành giụm thêm 2 đồng để mua thì chất lượng tốt, hoạt động thường xuyên. Tất cả là do tư duy của người lãnh đạo.

– Đầu tư ngành nước yêu cầu nhiều yếu tố về vốn, công nghệ và khả năng chấp nhận lỗ kế hoạch nhiều năm nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia. Điều gì hấp dẫn họ?

– Đầu tư ngành nước có thời gian khai thác 20 đến 30 năm, doanh nghiệp cố gắng “gồng” lỗ 7 năm thì còn 13 năm để thu hồi từ từ. Nước thì thời buổi nào, xã hội nào cũng cần, hôm nay chưa hòa vốn thì ngày mai sẽ thu hồi được nếu làm tốt. Khi dòng tiền đều đặn, thì ngày nào cũng thu tiền, bền vững.

Tôi cho rằng dư địa ngành nước còn lớn hay không lớn là do cách nhìn từng người. Người nhìn thấy được những nơi dịch vụ nước còn quá tệ, sẽ tự tin đầu tư. Còn những người cảm thấy tốt rồi thì sẽ thấy dư địa ngành không còn lớn nữa.

Biwase luôn luôn phát triển ngành nước, ban lãnh đạo có cách để khai thác tiềm năng và duy trì đà tăng 10% mỗi năm. Dân Bình Dương mỗi người dùng trên 300 lít mỗi ngày, tức tiêu dùng khoảng 100.000 đồng mỗi tháng, cao nhất nước và họ vẫn trả tiền đều đặn.

Tuy nhiên, như tôi đã nói ngành nước nói riêng hay ngành hạ tầng đô thị nói chung đều có định mức, các bộ chuyên ngành nghiên cứu đề ra định mức này. Nếu ai làm khéo, quản trị tốt thì dư so với định mức, ai làm không khéo, quản trị dở thì lợi nhuận thấp, thậm chí thua lỗ. Do vậy, đầu tư hạ tầng, bất kể điện, đường, nước đều phải chắc chắn, xác định làm hạ tầng lúc nào cũng có người cần sử dụng, không nên làm tạm bợ.

– Vậy riêng Biwase, làm thế nào để doanh nghiệp chiếm gần 100% thị phần ngành nước tại Bình Dương?

– Thời gian trước, tỉnh Bình Dương có 4 đến 5 nhà cung cấp nước, Biwase lớn mạnh lên thì các nhà cung cấp nước khác phải thu hẹp lại. Mỗi năm Biwase đều trích quỹ đầu tư phát triển tỷ lệ 35% lợi nhuận sau thuế (khoảng 160 tỷ đồng – năm 2019) nhưng không đủ để đáp ứng nhu cầu đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng. Chúng tôi luôn duy trì tỷ lệ vốn tự có 51% và vay ngân hàng 49% tức huy động vốn từ nhiều nguồn để có 500 tỷ đối ứng vay ngân hàng thêm 500 tỷ, để đỡ áp lực và giữ chữ tín với ngân hàng.

Tôi rất sợ các doanh nghiệp cầu đường có 30% vốn còn vay tới 70%, chỉ cần “nhúc nhích” chút xíu là chết. Ví dụ như chủ đầu tư BOT Cai Lậy, vay 70% mà nay đóng cửa, mai biểu tình khiến hoạt động đình trệ. Với Biwase, tôi chủ trương cố gắng trả cổ tức tiền mặt không thấp hơn lãi suất ngân hàng và duy trì giá cổ phiếu ổn định. Nếu không tích lũy mà chờ tiền phát hành cổ phiếu thì các mục tiêu đầu tư của doanh nghiệp không thể đạt được.

Tiếp theo đến con người. Phải xác định mình là người bán hàng, cung cấp dịch vụ, thái độ tốt thì người tiêu dùng mới sử dụng nhiều. Nước sạch vốn là nhu cầu thiết yếu nhưng người dân muốn được đấu nối nước sạch lại phải làm đơn xin kèm hộ khẩu bao nhiêu người. Vì vậy, cách đây 2, 3 năm, Biwase bỏ hết các thủ tục cho khách hàng.

Biwase xác định vấn đề liên quan nước sạch và nước thải là nhu cầu giải quyết cấp bách. Ở Bình Dương, người dân chỉ cần gọi điện thoại đến Biwase là có người đến lắp, chúng tôi ưu tiên các trường hợp khẩn cấp, cần ngay để xử lý. Hoặc buổi đêm đi làm về, người dân gặp sự cố nước thì nhân viên Biwase sẵn sàng đến tiếp ứng, dịch vụ thông suốt 24/24.

Ngọc Điểm (Thiết kế: Bảo Linh)