Mở đầu bài báo, Bác viết: “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”. Do “chưa hiểu thấu, làm chưa đúng” cho nên Bác nhắc lại bốn vấn đề cốt tử: Nước ta là nước dân chủ; dân vận là gì?; ai phụ trách dân vận?; dân vận phải thế nào? Bài báo chỉ hơn 600 chữ, với cách đặt câu hỏi và trả lời ngắn gọn, nhưng đã đề cập một cách toàn diện những nguyên lý cơ bản nhất trong công tác dân vận của Đảng.
Bác Hồ dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội (16-7-1960). Ảnh: TL
Thời gian trôi qua nhưng tác phẩm “Dân vận” của Hồ Chí Minh vẫn như vừa được viết trong những ngày này, những ngày toàn Đảng, toàn Dân ta đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện Nghị quyết 25-NQ/T.Ư của Ban Chấp hành T.Ư, khóa XI, về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Tư tưởng và sự chỉ dẫn cụ thể của Người vẫn nguyên giá trị, bởi đây là tác phẩm mẫu mực, ngắn gọn, sâu sắc, được xem như cẩm nang của mọi cán bộ, đảng viên. Vượt qua thời gian, không gian, người đọc dù là cán bộ lãnh đạo, trí thức hay người dân quê cũng đều thấu hiểu.
Đọc bài báo “Dân vận”, chúng ta gặp lại phong cách giản dị trong cách nói và cách viết của Bác, trong “khả năng hòa vào nhân dân của Hồ Chí Minh” – như một nhà báo nước ngoài đã viết. Bác thông thạo nhiều ngoại ngữ, vốn Nho học thâm sâu, là nhà báo, nhà thơ lớn, nhưng khi nói, khi viết, Bác luôn dùng những câu nói mộc mạc. Trong phần I, “Nước ta là nước dân chủ”, chữ dân được nhắc nhiều lần, trong đó, điều cơ bản nhất là: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”. Phần II, “Dân vận là gì?”, Bác lưu ý: “không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít-tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”. Ở phần III, “Ai phụ trách dân vận?”, Bác lại nhắc: “cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu”. Giải thích, đó là cách tốt nhất để dân hiểu đúng, làm đúng, ủng hộ cách mạng, ủng hộ đường lối kháng chiến. Dân thông rồi thì lại phải “đi sát với dân, thiết thực bày vẽ cho dân cách trồng trọt, chăn nuôi, cách chọn giống, ủ phân, làm cỏ”. Đến đây, chợt nhớ câu thơ Chế Lan Viên trong bài “Nghĩ về Đảng”: “Mưa tám trăm ly, Bác phải lội bùn/ Hạn cháy lúa, Thủ tướng cùng dân đi tát nước/ Giồng hoa ư? Phải dọn gai thép trại đồn…”. Không nói suông, bài báo “Dân vận” chỉ ra rằng, làm công tác dân vận “phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, “phải thật thà nhúng tay vào việc”. Chúng ta cùng nhớ lại, trong thư gửi đồng bào cả nước đăng trên Báo Cứu Quốc ngày 28-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Ở Bác bao giờ lời nói cũng đi đôi với việc làm. “Nghĩ việc gì Bác cũng nghĩ từ dân/ Nói về Đảng cũng vì dân mà nói” (Vũ Quần Phương).
Dân vận trong lời giải thích, vận động, thuyết phục, chưa đủ. Cần phải dân vận trong hành động, trong cuộc sống, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống. Đức tính giản dị, hành động gương mẫu là tấm gương sống của cán bộ, đảng viên. Năm 1971, khi Bác của chúng ta đã đi xa, nhà báo, nhà văn Mỹ Đây-vít Han-bớc-xtem (David Halberstam) viết trong cuốn sách “Hồ”: “Có lẽ hơn bất kỳ một người nào khác của thế kỷ này, đối với dân tộc của ông và đối với cả thế giới, ông là hiện thân của một cuộc cách mạng. Thế nhưng đối với hầu hết người dân Việt Nam, ông là biểu tượng của cuộc sống, hy vọng, đấu tranh, hy sinh và thắng lợi của họ. Ông là một người Việt Nam lịch sự, khiêm tốn, nói năng hòa nhã, không màng địa vị, luôn luôn mặc quần áo đơn giản nhất – cách ăn mặc của ông không khác mấy người nông dân…”.
Ngày nay cùng với những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập ngày càng sâu rộng khu vực và thế giới, vị thế Việt Nam ngày càng khẳng định; trình độ dân trí ngày càng nâng cao. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đòi hỏi nhận thức và hành động của người lãnh đạo phải phù hợp xu thế phát triển, với tình hình thực tế. Việc “giải thích cho dân hiểu” được Đảng ta nêu rõ trong Nghị quyết số 25-NQ/T.Ư khóa XI về công tác dân vận: “Tăng cường lãnh đạo công tác thông tin, tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan thông tin đại chúng; mở rộng các kênh thông tin truyền thông, đối thoại trực tiếp với nhân dân, góp phần giải tỏa bức xúc, hoài nghi trong xã hội”. Về hành động của người làm công tác dân vận chính là phong cách: “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Tham nhũng, quan liêu và những biểu hiện tiêu cực khác đang làm xói mòn niềm tin của dân với Đảng. Vì vậy, đẩy mạnh chống tham nhũng, quan liêu, lợi ích nhóm, xa hoa, lãng phí chính là những nhiệm vụ chủ yếu trong công tác xây dựng Đảng, cũng là làm công tác dân vận, làm sao cho người dân được nói giữa dạ mình, bớt đi những thủ tục hành chính nhiêu khê, phiền hà.
Bác Hồ dặn, trước hết, cán bộ chính quyền phải làm công tác dân vận. Trong lúc này, chúng ta phải tiếp tục chăm lo xây dựng bộ máy nhà nước vững mạnh, trong sạch, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, trung thành, hết lòng vì dân. Mọi quan điểm, chủ trương mới của Đảng về công tác dân vận phải được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật, sát thực tiễn, hợp lòng dân, vì lợi ích của nhân dân. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận, nhất là cán bộ tham mưu cấp chiến lược. Cán bộ chính quyền hay cán bộ đoàn thể đều phải “cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt.
65 năm, đọc lại, cùng suy ngẫm về những điều Bác mong, trí ta thêm sáng, lòng ta thêm trong, thấy rõ thiếu sót, khuyết điểm, làm tốt hơn phận sự của mỗi người. Hãy cùng nhau nhắc lại lời dạy ân cần của Bác: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Cần phải dân vận trong hành động, trong cuộc sống, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống.
Trong lúc này, chúng ta phải tiếp tục chăm lo xây dựng bộ máy nhà nước vững mạnh, trong sạch, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, trung thành, hết lòng vì dân. Mọi quan điểm, chủ trương mới của Đảng về công tác dân vận phải được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật, sát thực tiễn, hợp lòng dân, vì lợi ích của nhân dân.
Hiệu ứng tích cực bước đầu của phong trào hiến giác mạc, hiến tạng ở người chết não, hay sức lan tỏa của cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với những điển hình được ghi nhận về các tấm gương “người tốt việc tốt”, “sản xuất kinh doanh giỏi”, “đền ơn đáp nghĩa”… là thành quả luôn được nhân rộng từ công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, công tác dân vận gắn chặt với cơ sở… Những “công dân @” đầu tiên trong dự án thí điểm đưa 600 trí thức trẻ tình nguyện về làm phó chủ tịch các xã nghèo bất chấp khó khăn từ thực tế, bước đầu đã thật sự “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” lăn xả vào công việc, “ba cùng” theo tinh thần của lớp thanh niên thời đại. Ðúng như Bác Hồ đã khẳng định trong bài viết nổi tiếng “Dân vận” từ năm 1949 “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, mỗi khi một chính sách, chủ trương mới chuẩn bị được áp dụng vào cuộc sống, để đông đảo người dân hiểu, thông, đồng tình, ủng hộ, coi như đã thành công trên diện rộng. Tiêu điểm “Ba cùng…thời @” sẽ song hành bên cạnh những người đang quăng mình “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con trong bối cảnh xã hội ngày một cởi mở hơn, và công nghệ thông tin đã phổ cập đến tận nhiều vùng miền xa xôi hẻo lánh.
Theo Nhân Dân Online