PHẦN MỞ ĐẦU

Vào thời Đông chu (thế kỷ 21 Tr.CN – 221 Tr.CN), xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ loạn lạc, chiến tranh triền miên. Từ đó phát sinh nhu cầu giải quyết những vấn đề về bình, loạn, trị nước; mẫu hình con người lý tưởng, mẫu hình xã hội lý tưởng, … được đặt ra. Trong hoàn cảnh xã hội như vậy, các nhà triết học, các trường phái triết học muốn góp tiếng nói, đem một giải pháp, kiến giải một con đường để lập lại trật tự xã hội đang bị loạn lạc, biến xã hội từ loạn lạc thành xã hội thái bình như thời Tây Chu. Và từ đây nhiều học thuyết triết học ra đời, trong đó có “thuyết chính danh” của Nho Gia.

Thuyết chính danh là xương sống, là lõi nhân sinh quan của Nho Gia, trực tiếp trả lời cho vấn đề bình loạn. Xã hội loạn vì con người sống không chính danh. Do đó, để từ trạng thái loạn lạc sang trạng thái thái bình thì phải thực hiện được thuyết chính danh, con người phải sống chính danh. Người mang danh nào phải được thực hiện quyền do danh đó cho phép; người mang danh nào phải thực hiện bằng được những yêu cầu mà danh ấy đòi hỏi. Nếu không thực hiện được thì phải chuyển sang danh khác cho tương ứng với khả năng, tương ứng với điều kiện của mình, còn nếu vẫn giữ danh ấy thì đấy là loạn danh. Loạn danh thì xã hội sẽ loạn.

Ngày nay, trong một nền kinh tế thế giới hội nhập toàn cầu, doanh nghiệp muốn  hoạt động hiệu quả và ngày càng phát triển thì phải xây dựng cơ cấu tổ chức nhân sự tinh, gọn, ổn định và phù hợp với mô hình phát triển Công ty. Để thực hiện được điều này, doanh nghiệp cần phải vận dụng thuyết chính danh trong xây dựng cơ cấu tổ chức nhân sự. Tùy từng mô hình doanh nghiệp, tùy từng lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp mà xây dựng cơ cấu tổ chức nhân sự cho phù hợp. Phải xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho từng vị trí trong cơ cấu tổ chức ấy. Để mỗi con người trong tổ chức ấy thực hiện đúng “danh” của mình. Nếu không, tổ chức sẽ hỗn loạn, doanh nghiệp sẽ hoạt động không hiệu quả và không thể phát triển được. Điều này lý giải vì sao tôi chọn đề tài “Vận dụng thuyết chính danh của Nho Giáo trong xây dựng cơ cấu tổ chức nhân sự Công ty” để nghiên cứu trong bài tiểu luận kết thúc môn học của mình.

CHƯƠNG 1 HOÀN CẢNH RA ĐỜI VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN THUYẾT CHÍNH DANH CỦA NHO GIÁO.

1.1  Hoàn cảnh ra đời thuyết chính danh của Nho Giáo.

Vào thời Đông chu (thế kỷ 21 Tr.CN – 221 Tr.CN), xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ loạn lạc, chiến tranh triền miên. Từ đó phát sinh nhu cầu giải quyết những vấn đề về bình, loạn, trị nước; mẫu hình con người lý tưởng, mẫu hình xã hội lý tưởng, … được đặt ra. Trong hoàn cảnh xã hội như vậy, các nhà triết học, các trường phái triết học muốn gióp tiếng nói, đem một giải pháp, kiến giải một con đường để lập lại trật tự xã hội đang bị loạn lạc, biến xã hội từ loạn lạc thành xã hội thái bình như thời Tây Chu. Và từ đây nhiều học thuyết triết học ra đời, nhưng tựu trung có 6 học thuyết của 6 phái lớn gọi là Lục gia, gồm : 1. Nho Gia (người sáng lập là Khổng Tử); 2. Đạo Gia (người sáng lập là Lão Tử); 3. Mặc Gia (người sáng lập là Mặc Địch); 4. Danh Gia (người sáng lập là Huệ Thi và Công Tôn Long); 5. Âm Dương Gia (người sáng lập là Trâu Diễn); 6. Pháp Gia (người sáng lập là Hàn Phi Tử);

Tư tưởng triết học của Khổng Tử (551 – 479 Tr.CN) và trường phái Nho Gia thể hiện rõ nét trong “Lục Kinh”, sau này chỉ còn “Ngũ kinh” và “Tứ thư”. Với việc hệ thống hóa những tri thức, tư tưởng đời trước và trình bày quan điểm nhân, lễ và chính danh, Không Tử đã xây dựng nên học thuyết đạo đức – chính trị nổi tiếng là Nho Giáo.

Thuyết chính danh trong học thuyết triết học của Nho Giáo, là lõi nhân sinh quan của Nho Gia, trực tiếp trả lời cho vấn đề bình loạn. Xã hội loạn vì con người sống không chính danh. Do đó, để từ trạng thái loạn lạc sang trạng thái thái bình thì phải thực hiện được Thuyết chính danh, con người phải sống chính danh.

1.2.  Nội dung cơ bản của Thuyết chính danh của Nho Gia. 

Chính danh là một trong những nguyên tắt quan trọng nhất trong học thuyết của Nho Giáo (Khổng Tử) về quản lý nhà nước và tổ chức xã hội.

Danh là tên gọi mỗi vật, mỗi người trong mối quan hệ nhất định. Một người có nhiều danh, đóng nhiều vai tùy theo mối quan hệ. Mỗi danh đều có những yêu cầu về cả cái được và cái phải của nó.

Khổng tử luận rằng, mỗi vật, mỗi người sinh ra đều có một địa vị, công dụng nhất định. Ứng với mỗi địa vị, công dụng đó là danh nhất định. Vật nào, người nào trong thực tại đều có danh hợp với nó, nếu không danh sẽ không hợp với thực là loạn danh. Chính danh nghĩa là người mang danh nào phải thực hiện quyền của danh đó cho phép và phải thực hiện bằng được những yêu cầu mà danh đó đòi hỏi. Nếu không thực hiện được thì phải chuyển sang danh khác, còn nếu vẫn giữ danh ấy thì là loạn danh. Loạn danh thì xã hội sẽ loạn.

Xã hội có nhiều mối quan hệ nên nảy sinh nhiều quan hệ giữa các danh. Khổng tử đã quy tất cả các quan hệ xã hội thành năm mối quan hệ cơ bản gọi là “Ngũ luân”:

  1. Vua – Tôi, bề tôi phải lấy chữ trung làm đầu;
  2. Cha – Con, bề con phải lấy chữ hiếu làm đầu;
  3. Chồng – Vợ, vợ phải lấy tiết hạnh làm đầu;
  4. Anh – Em, phải lấy chữ hữu làm đầu;
  5. Bạn – Bè, phải lấy chữ tín làm đầu.

Năm mối quan hệ này có tiêu chuẩn riêng : Vua thì phải nhất; Tôi thì phải trung; Cha phải hiền từ; Con phải hiếu thảo; Phu xướng phụ tùy….

Trong năm quan hệ trên, Khổng Tử nhấn mạnh ba quan hệ đầu gọi là Tam cương, Tam cương chia thành 2 vế : Xử và Sự. Xử là có quyền sai khiến, Sự là phải chấp hành.

  1. Vua – Tôi : Vua là trụ cột;
  2. Cha – Con : Cha là trụ cột;
  3. Chồng – Vợ : Chồng là trụ cột.

Tất cả các “danh” trong “Ngũ luân” đều nằm trong một “danh” chung là “Nhân”. Yêu cầu của danh “nhân” là “Ngũ thường”, gồm : 1) Nhân; 2) Nghĩa; 3) Lễ; 4) Trí; 5) Tín.

Ba mối quan hệ trên đã nói rõ danh, phận của từng người, vế sau phải phục tùng vế trước. Nếu mỗi người thực hiện đúng danh, phận, sao cho vua ở hết phận vua, tôi ở hết phận tôi, cha ở hết phận cha, con ở hết phận con,…thì đó là thực hiện Thuyết chính danh.

Theo Khổng Tử, nếu không chính danh thì lời nói không thuận, lời nói không thuận thì việc làm không thành, việc làm không thành thì lễ nhạc không kiến lập được, lễ nhạc không kiến lập được thì hình phạt chẳng đúng phép, hình phạt mà không đúng phép thì dân không biết đặt tay chân vào đâu để nhờ cậy.

Chính danh là làm cho mọi việc ngay thẳng. Chính danh thì người nào có địa vị, bổn phận chính đáng của người ấy. Chủ trương làm cho xã hội có trật tự, Khổng Tử cho rằng trước hết là thực hiện “chính danh”. Mỗi cái danh đều mang trong nó những điều kiện bản chất mà vật mang danh ấy phải thực hiện cho đúng. Trong xã hội vua phải ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con,…Đó là ý nghĩa “Thuyết chính danh” của Khổng Tử.

 

CHƯƠNG 2 : VẬN DỤNG THUYẾT CHÍNH DANH TRONG XÂY DỰNG CƠ CẤU TỔ CHỨC CÔNG TY

2.1.  Khái quát về cơ cấu tổ chức Công ty.

Cơ cấu tổ chức là tổng hợp các bộ phận (đơn vị và cá nhân) khác nhau, có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, được chuyên môn hoá và có những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhất định được bố trí theo những cấp bậc khác nhau nhằm đảm bảo thực hiện các chức năng quản lý và phục vụ mục đích chung đã xác định của doanh nghiệp.

Bản chất của việc tồn tại cơ cấu tổ chức là xác lập hệ thống chức năng (xác định “danh”), phân định quyền hạn và trách nhiệm trong hệ thống quản lý. Vì vậy cơ cấu tổ chức một mặt phản ánh cơ cấu vị trí, trách nhiệm, quyền hạn của mỗi người trong doanh nghiệp, mặt khác tác động tích cực đến việc phát triển doanh nghiệp.

Trong cơ cấu tổ chức doanh nghiệp ta thấy có các cấp quản lý, ví dụ cấp Công ty, cấp phòng ban, cấp chức năng… Các cấp quản lý này phản ánh sự phân chia chức năng quản lý theo chiều dọc (trực tuyến) thể hiện sự tập trung hoá trong quản lý. Trong cơ cấu ta thấy các bộ phận, phòng ban chức năng như phòng tổ chức, phòng tài chính, phòng Marketing, phòng nghiên cứu và phát triển, phòng sản xuất… các bộ phận, phòng ban này thể hiện sự phân chia chức năng quản lý theo chiều ngang, biểu thị sự chuyên môn hoá trong phân công lao động quản lý.

Mỗi Công ty tồn tại có một cơ cấu tổ chức xác định, tuy nhiên tuỳ vào từng đặc điểm của mỗi Công ty mà có các loại hình cơ cấu tổ chức khác nhau.

2.2.  Mô hình cơ cấu tổ chức tại một Công ty sản xuất và cung cấp nước sạch. 

Sơ đồ cơ cấu tổ chức tại Công ty Cổ phần B.O.O Nước Thủ Đức :

Công ty Cổ phần BOO Nước Thủ Đức ra đời theo chủ chương xã hội hóa ngành cấp nước của Chính phủ cũng như của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh. Là đơn vị sản xuất và cung cấp nước sạch chiếm 20% thị phần về cung cấp nước sạch cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty hiện có mô hình cũng như cơ cấu tổ chức nhân sự tinh gọn, hiệu quả thuộc tóp đầu trong ngành cấp nước tại Việt Nam.

2.3. Vận dụng Thuyết chính danh của Nho Gia trong xây dựng cơ cấu tổ chức Công ty.

Trong quản lý ngày nay, việc quản trị nhân sự luôn được đặt lên hàng đầu và con người là yếu tố quyết định sự phát triển, thành công của một doanh nghiệp. Muốn quản trị nhân sự tốt, hiệu quả thì phải xác định và xây dựng cơ cấu tổ chức nhân sự phù hợp với mô hình phát triển của doanh nghiệp. Trong cơ cấu tổ chức ấy phải xây dựng cấp, bậc, vị trí; xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho từng chức danh, từng vị trí và gắng với từng con người cụ thể. Nghĩa là phải xây dựng, xác định đúng các “danh” và sắp xếp đúng người vào đúng các “danh” đó.

Mỗi chức danh ở mỗi cấp bậc phải xây dựng chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, nghĩa là phải xác định, xây dựng đúng “danh”. Đồng thời phải xác lập quyền hạn cho chức danh đó, nghĩa là “thực”. Và khi chọn người gán vào “danh” ấy thì con người đó phải đủ trình độ, năng lực dùng quyền hạn mà danh đó cho phép (hoặc đòi hỏi) để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mà “danh” đó yêu cầu. Nếu không, tổ chức đó sẽ loạn và vận hành không hiệu quả, dẫn đến doanh nghiệp đó hoạt động không hiệu quả. Điều này phù hợp với Thuyết chính danh của Nho Gia là người mang danh nào phải thực hiện quyền của danh đó cho phép thì gọi là chính danh, và phải thực hiện bằng được quyền mà danh đó đòi hỏi, nếu không thực hiện được thì phải chuyển qua “danh” khác, còn nếu vẫn giữ “danh” ấy thì là loạn danh. Loạn danh thì Công ty sẽ loạn và hoạt động không hiệu quả.

Trong cơ cấu tổ chức Công ty, có nhiều mối quan hệ : quan hệ giữa cấp trên – cấp dưới; quan hệ đồng cấp, …. Người quản lý muốn quản lý tốt công việc của mình thì hành động phải đi đôi với lời nói, nhà quản lý phải có “danh” (chức vụ, cấp bậc rõ ràng) bởi vì danh có chính thì ngôn mới thuận. Khi đó lời nói của nhà quản lý mới có hiệu quả, khiến cho cấp dưới nghe theo. Tuy nhiên không chỉ có danh mà người quản lý cần có “thực” (thực lực, khả năng, quyền mà danh đó yêu cầu). Có danh mà không có thực thì quản lý cũng không hiêu quả. Vì vậy để quản lý được hiệu quả thì nhà quản lý cần có đủ 2 yếu tố là : danh và thực.

Với đối tượng bị quản lý : cần làm đúng với nhiệm vụ và công việcđược giao, ai ở vị trí nào thì làm đúng chức năng nhiệm vụ ở vị trí ấy. Tuy nhiên công việc quản lý là rất linh hoạt. Người quản lý có thể điều chỉnh, luân chuyển nhân sự cho phù hợp với các danh giữa các bộ phận vớinhau dựa trên cơ cấu tổ chức nhân sự Công ty. Đó là sự quản lý, điều hành để đạt mục tiêu chung, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

Học thuyết chính danh của Nho Gia cũng đặt ra vấn đề làm sao sử dụng người hiền tài đúng với trình độ của họ. Như vậy, sẽ phát huy được hết tiềm năng của người hiền tài nhằm phục vụ cho dân, cho nước. Nói trong phạm vi hẹp, trong một Công ty, chọn đúng người (người đủ trình độ, năng lực) bổ nhiệm họ vào những chức danh nhất định trong một cơ cấu tổ chức Công ty sẽ phát huy tốt nhất hiệu quả công việc mà họ mang lại, khi đó tổ chức đó sẽ mạnh và mang lại hiệu quả tốt hơn cho Công ty. Điều này cũng làm cho con người trong tổ chức đó có trách nhiệm với bản thân hơn, có trách nhiệm với công việc của mình hơn, từ đó phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

KẾT LUẬN

Vận dụng Thuyết chính danh của Nho Gia trong xây dựng Cơ cấu tổ chức nhân sự Công ty là hết sức cần thiết trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Mỗi doanh nghiệp Việt Nam cần tạo một nền tảng vững chắc trong quá trình phát triển và hội nhập, nền tảng ấy chính là xây dựng một cơ cấu tổ chức nhân sự đủ mạnh, từ đó xây dựng nên những chiến lược kinh doanh phù hợp, làm cho mỗi doanh nghiệp ngày càng hoạt động hiệu quả, đóng góp nhiều hơn cho nên kinh tế đất nước. Điều đó, góp phần làm cho Đất nước ngày càng phát triển và lớn mạnh, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là làm cho “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Đất nước ta đang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá – hiện đại hoá, xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, một xã hội trật tự, ổn định có tầm quan trọng đặc biệt, để mỗi doanh nghiệp, mỗi tổ chức có môi trường tốt để hoạt động. Công ty, doanh nghiệp cũng rất cần thiết có một cơ cấu tổ chức nhân sự phù hợp, ổn định. Vì vậy, việc kế thừa tư tưởng chính danh của Khổng Tử là rất cần thiết. Muốn làm được điều đó, trước hết chúng ta phải giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống yêu lao động, sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với cộng đồng. Truyền thống yêu nước, yêu thương con người, kính trọng, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, tôn sư trọng đạo,… Đối với đội ngũ cán bộ công chức phải là “công bộc” của nhân dân, lời nói phải đi đôi với việc làm, đúng với cương vị của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đối với từng gia đình, ông bà phải mẫu mực, con cháu phải hiếu thảo lễ phép, thương yêu đùm bọc giúp đỡ nhau, vợ chồng hoà thuận bình đẳng, cha mẹ phải quan tâm giáo dục con cái. Đối với nhà trường, thầy phải ra thầy, trò phải ra trò. Trong một tổ chức, trong một Công ty phải có người chỉ đạo, điều hành, người thừa hành, phải xây dựng cụ thể, chi tiết chức năng, nhiệm vụ quyền hạn cho mỗi chức vụ rõ ràng, … như thế mới đẩy lùi được hành vi phi đạo đức do tác động mặt trái của cơ chế thị trường, xây dựng một xã hội thịnh vượng, phồn vinh góp phần cùng đất nước đi lên.

Trình bày: Lê Phúc Hiền

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Giáo trình Triết học (dùng trong đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các ngành khoa học xã hội và nhân văn không chuyên ngành Triết học), Nhà xuất bản Đại học sư phạm, năm 2017.
  2. Giáo trình “Tôn giáo học”, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, năm 2007.
  3. Một số trang internet: